Sợ
“Ai đến A Lưới cũng sợ ăn rau củ, vì người ta sợ bị nhiễm chất độc dioxin”.
Câu nói của bác sĩ Trường khiến mọi người chựng đũa lại. Bữa cơm dường như bớt ngon đi một chút. Vào những năm 1960, gần 10.000 người dân A Lưới già trẻ lớn bé, chẳng hề sợ hãi, đều xông pha đánh giặc. Đó là giai đoạn ác liệt nhất của kháng chiến chống Mỹ, A Lưới liên tiếp hứng chịu hàng tấn chất độc hóa học mà quân đội Mỹ rải xuống.
Bà Hồ Thị Tâm, 71 tuổi, cũng từng là nữ dân quân A Lưới. Bà là người dân tộc Pa Cô, có 9 người con, đã mất hết 4, chỉ còn lại 5 người. Gia tài của người mẹ già chỉ vỏn vẹn có một mẫu ruộng hơn 300m2 bao bọc xung quanh nhà. Mảnh đất vừa đủ để trồng chút lúa, chút khoai, mang ra chợ bán để mua lấy ít thức ăn cho cả nhà mỗi ngày.Đứa con trai lớn của bà từng học Y Khoa đến năm thứ 3, thì phải bỏ học, về nhà làm ruộng. Nỗi buồn đó cứ theo bà đến tận bây giờ.
Bà kể: “Gần 20 năm mẹ là y tá phục vụ ở chiến trường, vừa chiến đấu vừa là quân y luôn. Đang đánh nhau thế, mà thấy ai bị trúng đạn hay mảnh bom, là phải chạy tới băng bó cứu thương ngay….”
Rời chiến trường ác liệt, bà trở về, nguyên vẹn, và chưa từng sợ hãi. Vậy mà hôm nay…
Không thể bước đi
Tôi dắt bà qua hành lang và bước xuống những bậc tam cấp của bệnh viện.
Ngay từ bậc tam cấp đầu tiên, bà đã hoảng hốt bấu chặt lấy cả hai tay vào người tôi. Mặc cho tôi giải thích và tìm cách trấn an, bà lão chẳng yên lòng được lâu. Bà nhấn mạnh lòng bàn chân xuống đôi dép nhựa, rồi miết nó đi trên mặt đất một cách nặng nề. Đôi dép nhựa càng lúc càng như dính chặt xuống nền, đến nỗi bà không nhấc nó lên được nữa. Bà đứng bất động, mười đầu ngón chân bấm xuống đất lúng túng, đầu hơi cuối xuống, đôi mắt mờ đục buồn rầu, mồ hôi rịn ra ướt cả bàn tay, lấm tấm trên trán, trên má. Tôi dừng lại, để bà đứng nghỉ một lúc, cũng là để tim mình đập lại bình thường…
Bác sĩ Trường là người chịu trách nhiệm chính cho các ca mổ trong 2 ngày
Đợt khám sàng lọc hai ngày tại bệnh viện A Lưới nằm trong khuôn khổ hoạt động của dự án Nâng Cao Năng Lực Chăm Sóc Mắt Cộng Đồng tại Huế. Bác sĩ Trường, bác sĩ Nhãn Khoa của bệnh viện Mắt Huế, người phụ trách hầu hết các ca mổ trong hai ngày, có bước đi nhanh nhẹn, thao tác nhẹ nhàng, và một nụ cười điềm tĩnh. Anh là bác sĩ thực hiện ca mổ cho bà Hồ Thị Tâm, anh quyết định mổ mỗi mắt cách nhau nửa ngày.
Ai cũng biết ca mổ không mấy phức tạp, nhưng bác sĩ Trường cho hay, thời gian của bà còn rất ít. Nếu không mổ kịp thời, bà sẽ mù mãi mãi chỉ trong vòng vài tuần tới, hoặc có thể chỉ trong vài ngày nữa. Thấy bà chuẩn bị vào phòng mổ với vẻ mặt lo âu, một bà lão khác với theo nói đùa:”Đánh giặc mà còn không chết, mổ mắt làm răng mà chết được! Sợ chi mà!”
Mẹ đã thấy
Từ từ tháo băng ra khỏi mắt, bác sĩ Hùng hỏi lớn, chậm rãi:”Bà thấy không, có thấy gì không?” Chúng tôi ai nấy hồi hộp nhìn thẳng vào đôi mắt ướt át còn lấm lem ghèn. Bà nói trong vội vã:”Có, mẹ đã thấy rồi, các con gái con trai của mẹ, mẹ cảm ơn các con!”
Tất cả im lặng nhìn nhau mỉm cười.
Xe đưa bà về đến nhà, trên con đường đất mấp mô, đây đó đọng vài vũng nước, bà đặt chân xuống, hai tay níu chặt lấy vai của chồng và con trai út. Bác sĩ Hùng, người cùng đưa bà về nhà với chúng tôi, thấy vậy, liền nói lớn:
_Buông tay bà ấy ra, để bà ấy đi một mình.
Bà lão không nói gì, tự mình lấy thăng bằng rồi bước một bước đầu tiên xiêu vẹo, rồi bước thứ hai, bước thứ ba… Cuối cùng, bà chậm chạp bước một mình trên con đường đất.
Yêu thương
Bà Tâm hay xưng mình là “mẹ”, rồi gọi tất cả những người trẻ mà bà gặp là “con trai, con gái”. Bà cứ kể mãi về nỗi buồn của đứa con trai phải bỏ học nửa chừng, về những người đồng đội bị thương, về đứa con dâu vẫn bón cho bà từng muỗng cơm, về mấy đứa cháu cứ khóc vòi lên bệnh viện, vì quá nhớ bà.
Trên hai bức vách làm từ hai miếng gỗ so le trong ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo của bà Tâm, ai đó đã tỉ mẫn đục hai hình trái tim lớn để làm cửa sổ. Trong cảnh bần hàn, họ không cầu thêm vật chất, mà chọn ước mơ lớn nhất hướng đến một cuộc sống đầy đủ tình yêu thương. Đối với một gia đình nghèo chỉ có thể trồng khoai, bán sắn, chỉ có thể bán được 20.000 đồng từ một chiếc gùi tre mất một tuần trời đan lát, thì ước mơ đó, là ước mơ “sang trọng” nhất mà tôi từng thấy.
Chỉ với 25 đô la, một ca phẫu thuật không chỉ đã mang lại một đôi mắt sáng, mà còn mang đến cho bà Tâm một cuộc sống nhiều yêu thương hơn nữa, đúng như những gì mà gia đình bà vẫn hằng mong ước.
Theo FHF VN - Tài liệu Đan Ngọc