Thực hiện thông điệp của Ngày Thị Giác Thế giới, mỗi chúng ta nên dành cho mắt sự quan tâm và chăm sóc nhiều hơn bằng những biện pháp vô cùng đơn giản dưới đây:
1.Ăn uống cân bằng: Chế độ dinh dưỡng hợp lí luôn là một trong những yếu tố được ưu tiên hàng đầu, vì mắt luôn cần được bổ sung dưỡng chất từ bên trong. Do đó, chúng ta nên ăn uống đủ chất và ưu ái những thực phẩm có lợi cho mắt như: rau củ, trái cây có màu cam, vàng, đỏ, hoặc ngũ cốc, cá biển…
2.Tạo điều kiện cho mắt nghỉ ngơi: Không một đôi mắt nào có thể hoạt động liên tục mà vẫn sáng khỏe. Hãy cho mắt nghỉ ngơi sau mỗi 20 phút làm việc trước màn hình điện tử bằng cách nhắm mắt 20 giây và nhìn ra xa 6 mét. Ngoài ra, hãy ngủ đủ giấc và tránh thức khuya để đôi mắt luôn tràn đầy sức sống.
3.Che chắn cho mắt khi ra ngoài: Khi đi ra ngoài những ngày nắng gắt, chúng ta nên trang bị cho mình loại kính râm có khả năng chống tia UV, nhằm phòng ngừa bỏng mắt và giảm độ chói sáng quá mức không cần thiết có thể gây mỏi mắt.
4.Tránh khói thuốc: Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp mà còn là tác nhân dẫn đến tình trạng khô mắt và suy giảm thị lực.
5.Khám mắt định kỳ: Mắt chúng ta luôn cần được khám định kỳ, ít nhất 6 tháng / lần. Đây là dịp để kiểm tra tình hình sức khoẻ của mắt, đồng thời phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh về mắt nếu có.
Đối với các em học sinh cần: Đảm bảo nơi học đủ ánh sáng, tránh sự phản xạ bề mặt (đó là các phản xạ từ mặt giấy hoặc màn hình máy tính) khi ngồi học phải giữ đúng tư thế: ngồi thẳng lưng, đầu hơi cúi khoảng 10 – 15 độ; Khoảng cách phù hợp để đọc sách đối với học sinh cấp I là 25cm, cấp II là 30cm, cấp III là khoảng 35cm. Việc đọc sách quá gần sẽ dẫn đến nỗ lực về thị giác do việc gia tăng sức điều tiết của mắt, từ đó làm xuất hiện và gia tăng độ cận thị.
Riêng đối với học sinh đã bị cận thị rồi, ngoài các điều trên cần phải mang kính và mang kính đúng độ để mắt nhìn rõ và không phải điều tiết; Đo thị lực mỗi đầu học kỳ hoặc mỗi năm một lần để theo dõi mức độ cận.
Đối với người lao động: Làm việc lâu bên máy tính thường khiến cho mắt bị mờ, khô, lâu dần có thể sẽ mắc phải những tật về mắt. Để hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại của máy tính đối với mắt, nên đặt máy tính ở những nơi có độ sáng thích hợp, không chói lóa nhưng cũng không quá tối. Thêm vào đó, sau mỗi giờ làm việc bên máy tính nên thư giãn mắt, bằng cách không nhìn vào màn hình máy tính, nhắm mắt lại hoặc chớp mắt nhiều lần.
Khi làm việc ở những nơi nhiều bụi và ánh sáng mạnh cần đeo kính bảo hộ lao động.
Bên cạnh đó, để giúp tăng cường sức khoẻ cho đôi mắt, phòng tránh những bệnh về mắt, chúng ta cần:
Giữ vệ sinh mắt: Giữ cho đôi mắt luôn sạch sẽ, không cho tay bẩn dụi lên mắt; Không dùng chung khăn mặt để tránh các bệnh lây truyền về mắt. Đồng thời nên thường xuyên vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý.
Bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho thị lực: Thực phẩm giàu vitamin A như: các loại gan động vật, lươn, trứng, sữa, cá; Giàu vitamin C như: chanh, cam, cà chua, rau ngót, súp lơ... giúp phòng ngừa bệnh đục thuỷ tinh thể, tăng cường thị lực; Giàu vitamin E như: dầu đậu nành, dầu hướng dương, các loại hạt đậu giúp chống oxy hoá, giảm nguy cơ cườm mắt; Giàu lutein như: bắp, trứng, cải bó xôi, cải xoăn…giúp bảo vệ võng mạc mắt... Bổ sung dinh dưỡng đúng cách làm cho đôi mắt trở nên khỏe mạnh và phòng tránh được những bệnh thường gặp về mắt như: Quáng gà, khô giác mạc...
Kiểm tra định kỳ 06 tháng một lần: Kiểm tra mắt định kỳ là cách tốt nhất giúp sớm phát hiện ra những tật về mắt. Để từ đó có những định hướng và điều trị kịp thời.
Tập thể dục cho mắt: Đây là một trong những phương pháp tốt nhất giúp củng cố thị lực. Cách luyện tập rất đơn giản, ví dụ như khi làm việc với máy tính quá lâu, mắt sẽ bị mờ và mỏi, lúc đó cần nhìn ra một không gian rộng, hay nhìn vào cây xanh, chớp mắt nhanh trong vòng 1 - 2 phút để tăng cường sự tuần hoàn máu, xua bớt mệt mỏi, giảm tải cho mắt ở trong phạm vi gần.
Xem truyền hình: Chúng ta nên xem ti vi ở khoảng cách bằng 7 lần chiều rộng của màn hình TV, khoảng 3,5m với TV 21 inch. Khi xem nên ngồi thẳng và nên có chiếu sáng trong phòng nhưng tránh ánh sáng phản xạ trực tiếp màn hình. Đối với trẻ em nên giới hạn việc xem TV khoảng 1 đến vài giờ/ngày. Nếu chúng ta có tật khúc xạ, nên đeo kính khi xem TV nhằm giúp nhìn rõ và thoải mái về thị giác.
BSCKII DƯƠNG NGUYỄN THANH SƠN- BỆNH VIỆN MẮT HUẾ